Hậu trường ‘Squid Game’: Những trò chơi ám ảnh không phải ai cũng dám làm
Tìm hiểu về quá trình làm nên trò chơi sinh tồn trong bộ phim “bom tấn” “Squid Game” thông qua video hậu trường mới nhất.
Squid Game mang đến cho người xem sự tò mò, hào hứng và cả những nỗi ám ảnh về sự chết chóc, những quyết định khi đứng trước lằn ranh sinh tử. Phim đã kết thúc những có lẽ dấu ấn về bộ phim, về những trò chơi như Đèn xanh đèn đỏ, kéo co, tách kẹo hay trò chơi con mực vẫn khiến người xem lưu luyến.
Một trong những vấn đề được nhiều khán giả quan tâm nhất chính là việc ekip làm phim xây dựng bối cảnh phim ra sao, cách họ thiết kế các trò chơi như thế nào. Để trả lời cho những câu hỏi này mới đây hậu trường làm phim Squid Game đã được tiết lộ để lắng nghe những người dẫn dắt bộ phim cũng như các diễn viên chủ chốt chia sẻ về quá trình họ làm nên bộ phim “bom tấn” Squid Game.
Video hậu trường có độ dài gần 8 phút đưa người xem đến từng trò chơi chết chóc trong Squid Game. Theo chia sẻ của ekip làm phim loạt trò chơi sinh tồn này đã được lên ý tưởng từ năm 2008, 2009. Như vậy từ việc lên ý tưởng đến việc thiết kế bối cảnh, lựa chọn địa điểm quay phim và sau đó là quá trình quay phim, phát hành mất gần 10 năm. Phim trường của Squid Game cũng rất đặc biệt, khi thì đẹp như trong mơ với những thiết kế tỷ mỉ, đa màu sắc, khi thì khiến chính diễn viên cũng rợn người vì độ nguy hiểm.
Đầu tiên là trò chơi Đèn xanh đèn đỏ vốn là một trò chơi quen thuộc với trẻ con. Đây được xem là trò chơi đơn giản nhất trong Squid Game, nhưng điểm nhấn nằm ở cú plot twist cuối cùng. Bối cảnh quay ở ngoài trời với rất đông diễn viên tham gia cũng là điều không dễ dàng với ekip.
Ekip đã mời chuyên gia làm kẹo đến để trực tiếp làm ra những chiếc kẹo dalgona có những hình thù giống với cảm xúc của nhân vật.
Trò chơi thứ ba, trò chơi kéo co cũng là trò gây mất sức và ám ảnh nhất trong Squid Game. Đoàn phim đã cố gắng mô phỏng một sân chơi thực sự để diễn viên có thể cảm nhận như họ đang thực sự hòa mình trong trò chơi này. Các cảnh kéo hay vật lộn đều được thực hiện thật để tạo cảm giác chân thật khiến các diễn viên ai nấy đều mệt nhoài.
Cảnh đội thua phải treo lơ lửng trên sợi dây thừng khiến người xem phải thót tim. Ở hậu trường các diễn viên cũng phải chịu cảnh đu đưa như vậy, từ độ cao đến việc chông chênh lắc lư trên không như vậy chắc hẳn không phải ai cũng có thể thực hiện được. Từ một trò chơi dân gian được biến tấu thành trò chết chóc hàng loạt khi lưỡi cưa cắt đứt sợi dây khiến đội thua chết hàng loạt.
Bối cảnh của trò chơi bắn bi gợi nhiều hoài niệm với những con phố từ thời xa xưa được dựng lại. Thiết kế bối cảnh quay mất khá nhiều thời gian vì yêu cầu sự tỉ mỉ và chăm chút để tạo ra khung hình đẹp nhất. Đây là cảnh phim mà ekip đặt nhiều nỗ lực nhất, cố gắng tạo ra không gian thực – ảo, sự sống – cái chết ở trong đó.
Trò chơi Bước qua cầu kính có lẽ gây ám ảnh từ trên phim đến hậu trường. Phim trường được đặt cách mặt đất 1m và đặt những tấm kính cường lực thật. Trò chơi này là thật và các diễn viên sẽ cảm nhận nỗi sợ thật sự khi diễn, phim trường đã hiện thực hóa nỗi sợ đó.
Trò chơi cuối cùng mang tên Trò chơi con mực, được thực hiện cùng bối cảnh với trò chơi thứ nhất. Cái khó nhất ở phân cảnh là cách thể hiện cảm xúc, xung đột trong nội tâm nhân vật mà các diễn viên cần thể hiện được.
Quá trình làm nên những thước phim Squid Game cũng không hề đơn giản. Từ ekip đến diễn viên đã làm hết sức mình, vượt qua giới hạn của bản thân để đưa đến tác phẩm hấp dẫn. Qua Squid Game ekip muốn truyền tải thông điệp những người chơi chỉ còn lại sự tuyệt vọng, sự sợ hãi, giận dữ và nỗi buồn giống như thế giới bên ngoài họ đang sống. Họ không mất đi nhân tính hay niềm tin về con người.